Trang chủ Sức khỏe - Đời sống Lý do không nên chọn học trường y tế
Lý do không nên chọn học trường y tế

Trước những vấn đề thời sự liên quan ngành y gần đây, qua Báo Người Lao Động, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cố vấn Bộ môn Y đức và Khoa học hành vi - tên mới của Bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chia sẻ về y đức

* Phóng viên: Theo chương trình của nhà trường, sinh viên được học những bài học về y đức ngay từ đầu năm thứ nhất. Vậy những điều đầu tiên ông truyền đến các sinh viên là gì?

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Các em năm thứ nhất có 3 tuần học nhập môn “Sức khỏe cộng đồng”, trong đó có các buổi học với tôi, với 2 bài ngay trong tuần lễ đầu tiên, đó là “Chăm sóc sức khỏe ban đầu” và “Y đức”. Tuy bài thứ hai mới mang tên “Y đức” nhưng thực ra điều này đã được lồng vào trong bài thứ nhất vì điều đầu tiên tôi muốn truyền đạt đến các em là sự phân biệt giữa sức khỏe và bệnh tật. Người thầy thuốc nên như Hải Thượng Lãn Ông ngày xưa, mong người ta có sức khỏe, đừng bệnh, để mình có thể làm “ông già lười” (lãn ông)! Trong y học hiện đại, điều đó có nghĩa là hãy quan tâm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thầy thuốc phải hướng đến việc giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, nếu có bệnh thì được chữa trị sớm và ngay tại chỗ với một hệ thống y tế gần dân và công bằng. Đừng chỉ mong muốn học kỹ thuật y khoa để chữa bệnh kiếm tiền. Không thể coi vào trường y như một cuộc “đầu tư”! Đó cũng là điều y đức lớn nhất mà tôi muốn các em hiểu ngay từ buổi học đầu tiên.

* Vậy để làm tròn y đức, người thầy thuốc hẳn phải quên đi gánh nặng kinh tế trên vai?

- Ai cũng có một cuộc sống phải lo, phải kiếm tiền để trang trải những nhu cầu nên một sự công bằng hơn đối với nghề y là cần thiết. Học y khoa vất vả 6 năm, trách nhiệm thật nặng nề, khi tốt nghiệp chỉ được hưởng lương như một cử nhân 4 năm thì rõ ràng không hợp lý! Người thầy thuốc cần có lương đủ sống để giữ phẩm cách của mình và tận tâm tận lực với công việc, không phải vất vả vì chén cơm manh áo. Các bác sĩ làm công tác dự phòng thì đời sống càng khó khăn hơn, đáng lẽ lương phải gấp đôi gấp rưỡi. Dự phòng tích cực, nâng cao sức khỏe người dân, phòng chống các bệnh dịch không lây - do hành vi lối sống gây ra - sẽ góp phần làm giảm chi phí điều trị, giảm quá tải bệnh viện… Đầu tư cho y tế dự phòng là khoản đầu tư rất hiệu quả, bởi bớt dịch bệnh thì bệnh viện sẽ không quá tải. Nếu bỏ ngỏ dự phòng, không làm tốt giáo dục sức khỏe, để bệnh tăng lên thì có xây bao nhiêu bệnh viện cũng không đủ!

* Gần đây, dư luận nói nhiều về những xì-căng-đan bắt nguồn từ các trường hợp tai biến, hai tiếng “y đức” lại được nhắc đến nhưng mang một ý nghĩa chua chát. Theo ông thì người bác sĩ nên đối diện với vấn đề này như thế nào?
- Trong quá trình hành nghề không thể tránh khỏi những rủi ro, sai sót và vì thế, trong mọi trường hợp cần tuân thủ theo quy định của nghĩa vụ luật y khoa, cũng như luôn có sự giám sát chuyên môn của một đoàn thể nghề nghiệp như y sĩ đoàn. Họ sẽ bảo vệ uy tín của nghề, đồng thời bảo đảm y đức cho người hành nghề. Tôi nhớ khi vào học năm thứ nhất y khoa cách đây hơn nửa thế kỷ, giáo sư khoa trưởng Phạm Biểu Tâm đã căn dặn chúng tôi: “Trong đời người thầy thuốc không thể tránh khỏi những sai sót nhưng hãy chỉ để mình có những ân hận nhỏ, chứ đừng để phải hối hận!”. Người bác sĩ phải làm hết sức mình để tránh tối đa những sai sót, cố gắng làm mọi điều có thể khi đối diện với ca bệnh khó. Nếu kết quả không như mong muốn, thái độ của người bác sĩ đối với bệnh nhân và thân nhân họ là rất quan trọng, trước hết hãy luôn lắng nghe, tôn trọng, chân thành và biết thấu cảm.
Giờ học về y đức tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. (Ảnh do bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cung cấp)

* Vào thời ông học, cách tuyển sinh, đào tạo cũng như giảng dạy về y đức có gì khác hiện nay không? Có những kinh nghiệm nào đã được ông áp dụng trong những năm làm công tác giảng dạy?

- Khi tôi thi vào y khoa đại học đường Sài Gòn, ngoài những môn như lý, hóa, sinh, sinh ngữ, còn có môn thi gọi là “kiến thức tổng quát”, trong đó có nhiều câu hỏi về âm nhạc, hội họa, địa lý, lịch sử... và đặc biệt, còn có hai câu hỏi về giá gạo và giá than trên thị trường bao nhiêu 1 kg. Bài thi đặc biệt này để xem người bác sĩ tương lai có đầu óc xã hội, có quan tâm đến đời sống người dân và có sự hiểu biết rộng mở hay không. Đối với tôi thì điều đó rất ý nghĩa.
Ngày nay, khi dạy các em sinh viên về y đức, tôi vẫn khuyên các em hãy nuôi dưỡng một tâm hồn nhân văn. Em nào thích làm thơ hãy cứ làm thơ, em nào có năng khiếu hội họa, âm nhạc, thể thao… thì bên cạnh việc học cứ dành cho mình những giờ vẽ, đàn, hát, nhảy múa, tập luyện… Nghề y là một nghề đặc biệt, người thầy thuốc nên nhìn bệnh nhân như một con người toàn diện. Y khoa sẽ nguy hiểm khi chỉ biết kỹ thuật mà thiếu nhân văn và người bác sĩ khó làm tròn trách nhiệm khi không thấy được con người mà chỉ thấy những mã số hồ sơ... Gặp một bệnh nhân đau bao tử hay tăng huyết áp chẳng hạn, thì đâu chỉ chữa bằng thuốc là xong. Đằng sau cảm giác đau là nỗi khổ, biết đâu người ta đang phải chịu một áp lực công việc quá lớn, đang bị đè nặng bởi những lo âu cá nhân… Không giải quyết được căng thẳng đó thì đâu thể chữa hết bệnh. Do đó, tôi mới nói bác sĩ cần nhìn bệnh nhân như một con người toàn diện. Mà muốn nhìn được như vậy thì hãy nuôi dưỡng tâm hồn, để cuộc sống qua đôi mắt mình trở nên nhân bản hơn.


Theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, y đức có thể tóm lược với một số nguyên tắc, giá trị cơ bản như sau: 1 - Luôn làm điều có lợi cho bệnh nhân; 2 - Trước nhất không làm điều có hại; 3 - Tôn trọng sự tự chủ; 4 - Công minh, không phân biệt đối xử; 5 - Giữ bí mật nghề nghiệp; 6 - Tôn trọng nhân phẩm; 7 - Đạt được sự thỏa thuận (với thông tin đầy đủ); 8 - Nói sự thật.

Đạo đức xã hội là nền tảng của y đức

Bộ môn Khoa học hành vi và Giáo dục sức khỏe từ nhiều năm nay vẫn đảm nhận phần y đức cho sinh viên năm thứ nhất, thứ tư và thứ sáu của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nay được mang một cái tên mới là bộ môn “Y đức và Khoa học hành vi”. Việc thay đổi tên gọi và tăng thêm giờ học cho phần y đức thể hiện sự quan tâm của nhà trường đối với vấn đề y đức.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhìn nhận: “Người ta gọi bác sĩ bằng ba chữ “người thầy thuốc”, tức nghề này phải có đủ ba yếu tố: “người” - nhân đạo; “thầy” - nhân đức và “thuốc” - nhân thuật. Ba điều đó hợp lại mới thành y đức. Chỉ có “thuật” mà không có “đạo”, không có “đức” thì không thể làm tốt nghề y. Có thể nói đạo đức xã hội chính là nền tảng của y đức, khi đạo đức xã hội sụt lún thì y đức cũng sẽ bị xuống cấp theo.

tin gốc

 

free statistics

DMCA.com Protection Status